Quản lý tài chính cá nhân - Một lần nghiêm túc suy ngẫm về vấn đề tài chính của bản thân (p1)
27-01-2023
Quản lý tài chính cá nhân trở thành một điều được quan tâm trong thời gian gần đây khi có rất nhiều các chuyên gia và KOL trong lĩnh vực tài chính chia sẻ về nó. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần dần đi vào suy thoái, việc quản lý tài chính trở nên quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà với mỗi cá nhân. Ngoài ra, có rất nhiều chia sẻ về tự chủ tài chính, độc lập tài chính, tự do tài chính, từ đó dẫn đến việc có nhiều người tìm hiểu về chủ đề này trong 1,2 năm gần đây.
Nguyên lý chung về quản lý tài chính cá nhân
Quan điểm của mình, quản lý tài chính cá nhân, cũng như những thứ thuộc về cá nhân khác, gắn bó trực tiếp với tính cách, con người bạn. Một người căn cơ, kỷ luật rất dễ có khả năng có được tự do tài chính sớm hơn so với một người hoang phí, bốc đồng trong cách chi tiêu (tất nhiên ở đây so sánh 2 người có cùng một nền tảng, thu nhập…chứ không so một người lương thấp với một người thu nhập cao được). Hiểu được điều này thì cũng suy ra được muốn đạt được mốc tự do, độc lập tài chính, chúng ta cần phải thay đổi bản thân, cách suy nghĩ trước đã. Cũng tương tự như việc bạn muốn trở thành 1 marathoner thì k thể tiếp tục lối sống buông thả, lười vận động được.
Theo mình có 2 nguyên lý nền tảng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý tài chính cá nhân, đó là:
1. Lối sống tối giản
2. Lối sống đề cao tính hiệu quả
Lối sống tối giản như một sự đối lập so với chủ nghĩa tiêu dùng. Việc tối giản (trong suy nghĩ, trong mua sắm, trong mối quan hệ…) giúp cho chúng ta tập trung vào chất lượng, hạn chế đi những thứ dư thừa và đương nhiên giảm đi nhu cầu chi tiêu tương đối nhiều. Lấy ví dụ như bản thân mình, một năm mình mua sắm quần áo rất ít dù cho tủ quần áo chỉ có vài món đồ, sơ mi 5,6 cái, áo phông tầm 6,7 cái thêm ít quần âu, quần bò. Với lối sống tối giản, mình chỉ mua khi thực sự cần chứ k phải khi cảm thấy thích.
Đối với lối sống đề cao tính hiệu quả, thực ra ban đầu mình định viết về chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng 1 là chủ nghĩa khắc kỷ thì rộng quá, 2 là nó cũng hơi bị..trendy trong mấy năm trở lại đây, nên mình đổi lại thành lối sống đề cao tính hiệu quả. Mình sẽ lấy 2 ví dụ của mình về oto và điện thoại:
Mình được sếp cũ cho 1 con điện thoại Iphone 8 thường từ đầu năm 2020 và từ đó đến giờ mình thấy rất thỏa mãn với con điện thoại đó, màn hình có xước tí thì đi thay miếng dán màn hình lại ngon lành, thậm chí camera sau hỏng cũng ko sao, chỉ hơi bất tiện tí khi muốn chụp ảnh con. Với mình việc bỏ ra 15tr để mua 1 con Iphone X,11 là lãng phí vì lợi ích cận biên mà nó đem lại là ko cao. Nhưng cũng là mình sẵn sàng bỏ ra từng đó tiền để học thêm thì lại rất ok. Có 1 đồng chí làm cùng mình trước kia, vào thang máy thấy mình dùng con IP8 thì bảo: eo, giám đốc tài chính mà dùng con IP lởm thế. Nhưng mình chỉ cười vì biết rằng cái mình đang thực sự cần là gì. Mình có dịp quan sát rất nhiều người, lương ko cao, có khi chỉ 15-20tr/tháng nhưng sẵn sàng đổi điện thoại đời mới rất thường xuyên, mình k hiểu là nó có đem lại hiệu quả cao không hay chỉ vì mục đích “showoff”.
Thứ 2 là về xe oto. Mình quê ở tỉnh lẻ, 1 năm về quê 4-5 lần, nên nhu cầu đi xe không cao. 2 vợ chồng lại làm không quá xa, do đó nhu cầu mua oto của mình là ko nhiều. Một lưu ý ở đây là mình vẫn đi grab car khi có việc nào cần đi với vợ, con, chỉ đi xe máy nếu chở vợ con trong phạm vi 2-3km. Một tháng như vậy chi phí đi lại của mình chỉ dưới 1tr, cộng cả năm tiền đi xe về quê thì chỉ khoảng 20-22tr, tiết kiệm hơn rất nhiều so với tiền xăng/đỗ xe nếu có xe riêng. Đi bằng grab lại tiện lợi, trong lúc đi có thể tranh thủ nghỉ ngơi, trò chuyện cùng con. Nhiều người thắc mắc là mình có ngại gì ko khi ở vị trí này mà ko mua lấy cái xe, nhưng thực sự với mình việc có oto là ko hiệu quả về tài chính, dù cho mình hoàn toàn đủ sức mua 1 chiếc xe 500-600tr.
Nhật ký chi tiêu - bước đầu tiên trong hành trình ngàn dặm quản lý tài chính cá nhân
Có bao giờ bạn tự hỏi, mình làm những gì mỗi ngày mà ngày ngày tháng tháng trôi qua vẫn cảm thấy vô dụng? Có bao giờ bạn tự hỏi, mình có ăn mấy đâu mà sao vẫn béo thế? Và cũng tương tự vậy, có bao giờ bạn cũng tự hỏi tiền có kiếm được mà sao cuối tháng cứ đi đâu.
Lý do của cả 3 việc này, theo mình, đó là chưa bao giờ bạn thử nhìn lại xem đã tiêu tiền vào những gì, đã ăn như nào và đã sử dụng thời gian ra sao.
Việc theo dõi chi tiêu trong 1 thời gian nhất định để biết được tiền của mình đang dành cho mục đích gì là rất quan trọng. Sẽ hẳn có không ít người cảm thấy bất ngờ khi con số được thống kê ra. Đây là con số mà mình thống kê được trong vòng xx tháng trong năm 2022:
Vậy làm thế nào để theo dõi chi tiêu? Có 3 cách sau đây, các bạn có thể tùy chọn xem cách nào phù hợp với mình nhé:
a. Ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày bằng sổ/file excel: ngày nào cũng ghi xem tiêu gì. Lý tưởng nhất là xem tổng tiền đã chi có bằng chênh lệch số cuối ngày - số tiền đầu ngày không.
b. Ghi lại hàng ngày bằng app, ví dụ 1 app là Spendee. Cũng nhiều app tương tự và quan trọng nhất là ghi hàng ngày.
c. Ghi lại theo tuần hoặc 1 tháng 2 lần. Cái này tất nhiên sẽ ko chi tiết và chính xác như 2 cách đầu, nhưng tiết kiệm được thời gian hơn. Theo thời gian, mình đã dùng cách 1, xong 2, giờ chuyển sang cách 3. Cách làm cụ thể thì như sau (ví dụ trong trường hợp làm 2 tuần một lần):
- Đầu tháng và cuối ngày 15: đếm số tiền mặt và lấy số dư tiền gửi ngân hàng, giả sử đầu tháng có 11 triệu, giữa tháng có 12 triệu, như vậy chênh lệch tăng 1 triệu.
- Sau đó cố gắng nhớ lại những mục chi tiêu lớn (nếu chi bằng tiền mặt), hoặc xem trên app ngân hàng (nếu chi qua chuyển khoản). Ví dụ sửa xe 500k, bạn trả nợ 10tr, đi ăn hàng 800k, nộp tiền học cho con 6tr…Nhìn những mục lớn qua rồi thì còn lại mình cho vào 1 mục là sinh hoạt phí, ví dụ như trong case vừa rồi, sinh hoạt phí là 10tr - 2tr - (6+0.8+0.5) = 1.7tr
Sau khi tổng hợp rồi cần phân loại các khoản chi theo 2 hình thức:
- Theo tính chất khoản chi: ví dụ đầu tư, trả nợ nần, sinh hoạt, bảo hiểm, tiền nhà…Theo nguyên tắc 80/20, bạn chỉ cần nắm vững xem 80% chi tiêu của mình dành cho những gì. Sau đó 20% còn lại quản lý sau.
- Theo tần suất của khoản chi: những cái gì là chi hàng tháng, cái nào 1 năm 1 lần, cái nào cả đời 1 lần…
(Còn tiếp Phần 2)